Jetstar Pacific chính thức bị xóa sổ, đổi thành Pacific Airlines

Vào ngày 15/6 vừa qua, Vietnam Airlines và Qantas – Úc đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific để cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không giá rẻ này. Đồng thời, việc này cũng thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa. Theo đó, Jetstar Pacific chính thức bị xóa sổ, đổi thành Pacific Airlines.

Thương hiệu Jetstar Pacific đổi thành Pacific Airlines

Trong đợt tái cơ cấu mạnh mẽ lần thứ ba này, hãng hàng không Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, logo, bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Thời điểm mà Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới là Pacific Airlines sẽ dựa trên quyết định của nhà chức trách.

Hãng hàng không Jetstar Pacific sẽ tiến hành những thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines

Ngoài ra, Pacific Airlines cũng tiến hành chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitare sang Sabre – hệ thống mà Vietnam Airlines đang vận hành, nhằm đồng bộ hóa mạng lưới đường bay bay, những thủ tục đặt chỗ cũng như tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines.

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Airlines  – ông Trịnh Hồng Quang cho biết, các hãng hàng không chi phí thấp đóng vai trò nhất định trong quá trình khôi phục ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do đó, việc đồng bộ hóa hệ thống bán vé và mạng đường bay, Vietnam Airlines và Pacific Airlines sẽ tăng cường hiệu quả khai thác lẫn năng lực cạnh tranh ở cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, vững vàng tiến vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Airlines

Về phía Qantas, Lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Qantas, Tổng Giám đốc Tập đoàn Jetstar – ông Gareth Evans cho rằng việc đồng bộ hóa hệ thống đặt chỗ sẽ giúp Pacific Airlines giảm chi phí, tạo nền tảng vững chắc để hãng tiếp tục vươn lên mạnh mẽ sau khi các quy định hạn chế di chuyển quốc tế được gỡ bỏ.

Công cụ cạnh tranh của Vietnam Airlines ở phân khúc hàng không giá rẻ

Đứng trước những thách thức chung của ngành hàng không do dịch Covid-19, hai cổ đông lớn của Pacific Airlines là Vietnam Airlines và Qantas sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc kế hoạch cũng như lộ trình tái cấu trúc hãng bay giá rẻ này. Đồng thời, hai cổ đông cũng thực hiện các thay đổi cần thiết có liên quan đến cơ cấu cổ phần.

Qantas là một trong hai cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific

Theo ông Trịnh Hồng Quang, thị trường hàng không giá rẻ - LCC thế giới chiếm từ 30 – 40% thị phần hàng không. Ở Việt Nam, trong năm 2019 có 36 triệu hành khách đi LCC. Đây chính là cơ hội lớn để các hãng hàng không tham gia và khai thác một cách hiệu quả. Ông cho rằng, các hãng hàng không khác nếu không quan tâm đến LCC sẽ thất bại. Đồng thời, ông đưa ra các dẫn chứng, ví dụ về các hãng lớn trên thế giới như Thai Airways hay Malaysia Airlines.

Sau đợt tái cơ cấu mạnh mẽ Jestar Pacific, Vietnam Airlines sẽ tiếp quản đội bay của Jetstar, lũy kế, đội ngũ nhân viên… Thông tin thêm, ông Quang cho biết hiện Jetstar Pacific có 18 tàu bay. Trong thời gian tới, hãng hàng không này sẽ cần thêm 30 – 40 tàu bay để phục vụ cho các kế hoạch phát triển của mình, nhằm mang đến cho khách hàng dịch vụ bay ngày càng hoàn hảo hơn nữa.

Quầy check in của Jetstar Pacific tại sân bay

Cũng theo ông Quang, trong giai đoạn 2018 – 2019, Jetstar đã không còn lỗ vốn, thậm chí đã có lãi khoảng từ 30 đến 50 tỷ đồng. Trong tháng 1 năm 2020, Jetstar lãi 150 tỷ đồng. Nếu không có đại dịch Covid-19 thì Jetstar được dự báo sẽ còn lãi nhiều hơn thế nữa. Sau dịch Covid-19, Jetstar có thể lỗ đến 1.200 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Jetstar Pacific sẽ tiếp tục thực hiện các công đoạn tái cơ cấu. Trong đó gồm có tái cơ cấu chuyển đổi thương hiệu thành Pacific Airlines, tái cơ cấu cổ đông, thay đổi phương thức tổ chức bán.

Vietnam Airlines sẽ tiếp quản toàn bộ đội bay của Jetstar Pacific

Được biết, Qantas đang xúc tiến rút khỏi Jetstar. Sau khi rút khỏi thị trường Việt Nam, Qantas sẽ bàn giao lại cho đối tác kế thừa nguyên trạng toàn bộ nghĩa vụ về nợ, lỗ, lãi, toàn bộ bộ máy nhân sự, tài sản… Như vậy, Vietnam Airlines nắm chiếm đến 98% cổ phần của hãng, đồng thời tiếp nhận toàn bộ những gì mà Qantas bàn giao về Jestar Pacific.

Ông Quang cho biết, Jetstar sẽ tồn tại và phát triển dưới thương hiệu mới là Pacific Airlines. Hãng này được Vietnam Airlines coi như một phần quan trọng không thể thiếu trong chuỗi sản xuất kinh doanh.

Sau khi hoàn thành đổi tên thương hiệu, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Pacific Airlines sẽ tiếp tục tạo ra chuỗi sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng từ phân khúc hàng không truyền thống đến phân khúc chi phí thấp, đồng thời tăng thêm giá trị, lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng. Sự kết hợp này sẽ mang đến cho khách hàng quyền lợi tốt nhất với giá hấp dẫn nhất./.