Đa số các tập tục trong ngày tết cổ truyền ở Đài Loan đều theo tập tục của người dân thành phố Chương Châu và thành phố Tuyền Châu – Trung Quốc. Cứ vào những ngày cuối năm, người dân Đài Loan đều tất bật chuẩn bị lo đủ mọi thứ để đón chào năm mới. Lúc này, du khách mua vé máy bay Pacific Airlines đi Đài Loan sẽ cảm nhận được bầu không khí sôi nổi và chiêm ngưỡng các dãy phố được trang hoàng rực rỡ. Mặc dù Việt Nam và Đài Loan không có sự khác biệt nhiều về văn hóa nhưng vẫn có nhiều người thắc mắc phong tục đón tết cổ truyền của người Đài Loan có gì đặc sắc. Hãy cùng tìm hiểu ngay thôi nào!
Thông thường, tết cổ truyền ở Đài Loan được tính từ ngày 23 tháng 12 âm lịch. Đó cũng là ngày đưa ông Táo về trời. Từ sáng sớm, người dân Đài Loan đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật như 3 món tam sinh, trái cây, kẹo đậu phộng, chè trôi nước, kẹo mạch nha, kẹo mè đen và nhiều loại kẹo bánh khác để đưa tiễn Táo quân.
Cúng ông Táo là phong tục truyền thống được diễn ra vào ngày 23/12 âm lịch ở Đài Loan
Nói về các lễ vật đưa ông Táo, người Đài Loan xưa kia rất xem trọng các món ngọt như bánh kẹo trái cây. Riêng 3 món tam sinh chỉ là phần phụ, không có cũng không sao nhưng bánh kẹo thì không thể thiếu được. Họ hy vọng mời Táo quân ăn kẹo bánh khi lên trời gặp Ngọc Hoàng Thượng Đế sẽ giúp họ nói đều hay điều tốt. Khi cúng xong, họ đem chè trôi nước quét lên miệng lò tượng trưng miệng ông Táo toàn là đường mật sẽ nói những lời dễ nghe, không nói xấu gia chủ trước Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Bàn thờ cúng ông Táo đặt gần bếp, đồ cúng chủ yếu là trái cây và bánh ngọt
Sau khi làm lễ cúng đưa ông Táo về trời thì việc dọn dẹp nhà cửa bắt đầu. Tuy nhiên, người Đài Loan quan niệm, nếu như trong nhà có tang thì không được dọn dẹp nhà cửa ăn Tết, hoặc như trong nhà có phụ nữ có thai cũng phải đặc biệt chú ý. Điều quan trọng nhất trong việc dọn dẹp nhà cửa đó là lau chùi bàn thờ vì trong ngày bình thường không được tùy tiện động chạm đến bàn thờ. Sau ngày đưa ông Táo về trời cho đến trước ngày 30 Tết thì lúc nào lau dọn bàn thờ cũng được, không kiêng kị.
Vào dịp tết cổ truyền, khắp nơi ở Đài Loan đều được trang trí đèn lồng đỏ
Ngày 25 tháng 12 âm lịch là ngày đón Thần. Theo phong tục cổ truyền của người Đài Loan, đây là ngày Ngọc Hoàng Thượng Đế dẫn các chúng thần xuống trần gian để xem xét dân tình nên rất là quan trọng. Thế nhưng, với cuộc sống ngày càng hiện đại thì hiện nay thì rất ít gia đình còn giữ phong tục đón Thần trong ngày này.
Chợ đêm là một nét văn hóa đặc trưng của đảo ngọc Đài Loan. Vào những ngày bình thường, chợ đêm Đài Loan đã hoạt động đông vui thì trong những ngày cuối năm, không khí chợ đêm còn tấp nập, náo nhiệt hơn gấp nhiều lần. Dạo chợ đêm là dịp để du khách nước ngoài hòa mình vào nhịp sống đậm chất văn hóa địa phương. Vào mùa tết ở Đài Loan, những gian hàng được trang trí bắt mắt hơn, hàng hóa phục vụ cho ngày tết được bày bán phong phú như bánh mứt, trái cây, quần áo, đồ trang trí nhà cửa… Bầu không khí này cũng vui tươi, sầm uất không khác gì so với chợ tết ở Việt Nam.
Các khu chợ tết ở Đài Loan bán đủ thứ đồ trang trí nhà được chế tác khéo léo
Những khu chợ đêm nổi tiếng ở Đài Loan mà bạn có thể dành thời gian đến khám phá vào mùa tết như:
- Đài Bắc: chợ đêm Ximending, chợ đêm Shilin, chợ đêm Huaxi, chợ đêm Raohe, chợ đêm Gongguan, chợ đêm Shida
- Đài Nam: chợ hoa đêm Đài Nam
- Cao Hùng: chợ đêm Liuhe, chợ đêm Xin Jue Jiang chợ đêm Ruifeng
- Đài Trung: chợ đêm Fengjia
Bạn sẽ tìm thấy nhiều loại bánh mứt đặc sắc tại các khu chợ đêm vào mùa tết ở Đài Loan
Cơm tất niên là một trong những phong tục trong ngày tết ở Đài Loan, để chỉ bữa tiệc trong đêm giao thừa của cả đại gia đình. Trước tiên là cúng bái thần linh và tổ tiên, sau đó là các thành viên trong gia đình đoàn tụ cùng nhau ăn bữa cơm tất niên.
Bữa cơm tất niên ở Đài Loan có nhiều món phong phú, mỗi món đều có ý nghĩa riêng
Cơm tất niên không chỉ là một bữa ăn quan trọng trong dịp tết mà nó còn là bữa cơm vô cùng phong phú, đặc sắc, mang ý nghĩa sâu xa. Thông thường, trong bữa cơm đoàn viên này sẽ có những món ăn đồng âm với những điều may mắn như: gà (ngụ ý có kế hoạch), cá (ngụ ý năm năm đều dư thừa), hàu (ngụ ý có chuyện tốt), váng đậu (ngụ ý giàu có, đầy đủ), ngó sen (ngụ ý thông minh), rau sống (ngụ ý phát tài), tỏi sống (ngụ ý biết tính toán), nian gao (ngụ ý năm mới phát tài)…
Bánh nian gao trong ngày tết ở Đài Loan mang ý nghĩa năm mới phát tài, sự trường thọ
Cơm đoàn viên của người Đài Loan không chỉ là bữa cơm gia đình đầm ấm, đồ ăn phong phú mà quan trọng nhất chính là nhất định phải ăn vào buổi tối.
Ngày 30 tết là ngày cuối cùng của một năm, đồng thời là ngày chuẩn bị đón chào một năm mới. Cúng thần linh, tổ tiên trong ngày này là tập tục quan trọng nhất của người Đài Loan. Trong ngày này, mọi nhà đều chuẩn bị thật nhiều món ăn để đón tổ tiên ông bà về vui tết với con cháu. Đêm trước ngày 30, mọi thứ đều phải chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ. Tất cả từ ăn uống, áo quần, nhà cửa và lịch trình đi chơi đều phải xếp đặt trình tự đàng hoàng. Có như vậy mới hên cho cả một năm.
Lì xì là nét đẹp văn hóa không thể thiếu vào ngày tết ở Đài Loan
Sau khi ăn cơm tất niên thì người lớn sẽ lì xì cho trẻ nhỏ, con cháu sẽ lì xì cho ông bà và cha mẹ. Những lời cầu chúc về sức khỏe, may mắn, tiền tài cũng được các thành viên trong gia đình trao cho nhau bằng cả tấm lòng thành.
Đài Loan là một hòn đảo nằm giữa biển khơi. Thuở xưa, ở Đài Loan có một vị thần khỉ nhưng được rất ít người tôn thờ. Một ngày nọ, vị thần khỉ cảm thấy mình bị lãng quên nên đã tâu với Ngọc Hoàng rằng dân chúng rất lười biếng lại coi thường các vị thần. Ngọc Hoàng nghe vậy rất tức giận nên định trút một trận mưa lớn xuống nhấn chìm đảo Đài Loan. Những vị thần khác biết chuyện liền báo mộng cho người dân Đài Loan để họ chuẩn bị. Thế nên, vào ngày 30 tháng chạp, người Đài Loan tụ tập lại ăn bữa cơm gia đình cuối cùng, mặc quần áo mới để khi hòn đảo bị nhấn chìm thì mình đã ăn no và mặc đẹp.
Múa lân sư rồng là hoạt động đón tết đặc sắc không thể thiếu ở Đài Loan
Thật may là Ngọc Hoàng đã phát hiện thần khỉ nói dối nên đã không trút mưa xuống nhấn chìm Đài Loan. Chính vì lẽ đó, người Đài Loan cúng rất nhiều vào lễ tết. Trước hết là muốn tạ ơn thần linh, thứ hai là muốn các vị thần đừng trút giận lên hòn đảo.
Vào mỗi ngày trong dịp tết ở Đài Loan đều có sự kiện đặc biệt riêng. Ngày 30 tháng chạp, mọi người sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên cùng gia đình. Đến ngày mùng 1 thì đi lễ chùa và du xuân. Ngày mùng 2 cả gia đình sẽ về nhà ngoại. Ngày mùng 3 sẽ là ngày nghỉ ngơi của cả gia đình, mọi người có thể ngủ nướng đến chiều. Ngày mùng 4 sẽ là ngày đón thần linh từ thiên đình trở về. Mùng 4 cũng là ngày cuối cùng của dịp nghỉ lễ. Ở Đài Loan, thường thì ngày mùng 5 mọi người đi làm trở lại.
Bữa cơm ngày tết luôn có nhiều món truyền thống ngon và sự có mặt đông đủ của các thành viên trong gia đình
Ngoài ăn uống với nhau thì các gia đình sẽ tổ chức chơi mạt chược. Đây là một hoạt động rất hay gặp trong dịp tết cổ truyền ở Đài Loan. Mạt chược phổ biến thường sẽ có 4 người chơi. Một số nơi có thể linh động thêm 1 – 2 người chơi nữa. Thời xưa, mạt chược được xem là trò chơi giải trí dành cho giới quý tộc và tri thức vì quy luật chơi khá phức tạp. Đồng thời, để sắm bộ dụng cụ chơi mạc chược cũng rất tốn kém.
Dường như bất cứ người dân Đài Loan nào cũng biết chơi mạt chược
Hầu hết người dân Đài Loan đều biết chơi mạt chược. Nhiều người Đài Loan kể lại là lúc nhỏ đã được đứng kế bên xem ông bà, cha mẹ chơi để học hỏi và lớn hơn chút thì ngồi vào bàn chơi với cả gia đình. Vậy nên, đa phần mọi người đều cũng sẽ biết chơi và trở thành một hoạt động giải trí bình dân dành cho mọi người dịp tết. Thậm chí, có gia đình còn cho xây hẳn một căn phòng chỉ chuyên để chơi mạt chược.
Bên cạnh mạt chược, thú vui ngày Tết ở Đài Loan còn có trò xổ số. Tết đến, người ta xếp hàng dài ở các cửa hàng bán vé số để thử vận may dịp năm mới. Mua xong vé số cào ở tiệm sẽ có luôn dụng cụ để ngồi cào tại chỗ. Nếu mua vé số cào mang về nhà thì lấy tiền xu ra cào.
Giống với Việt Nam, người dân Đài Loan cũng coi trọng khoảnh khắc giao thừa và chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày đầu tiên của năm mới. Người Đài thường đi chợ đêm để sắm sửa vào đêm 30, diện trang phục truyền thống vào mùng 1 tết và kiêng kỵ một số điđược coi là không may mắn cho cả năm.
Tháp Taipei 101 ở Đài Bắc là một trong những điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa đẹp nhất ở Đài Loan
Khi du lịch Đài Loan dịp tết nguyên đán, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp trước sự kiện hoành tráng diễn ra trong khoảnh khắc giao thừa. Nổi bật nhất là chiêm ngưỡng màn pháo hoa đỉnh cao tại tòa tháp Taipei 101. Nếu ngại đông đúc và náo nhiệt, bạn vẫn có thể tham gia lộ trình đi bộ trên núi Voi nhìn pháo hoa được bắn ở tầm xa mà không phải chen chúc trên đường về. Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin về các điểm bắn pháo hoa mừng năm mới tại Đài Loan để tiện sắp xếp lịch trình.
Lựa chọn book vé máy bay EVA Air đi Đài Loan vào dịp tết cổ truyền sẽ là dịp lý tưởng để bạn tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị về văn hóa truyền thống nơi đây. Ngày tết ở Đài Loan, đâu đâu cũng được trang hoàng lộng lẫy, các hoạt động vui chơi và mua sắm diễn ra sôi nổi. Đồng thời, bạn cũng được thỏa sức nếm thử nhiều món ăn điển hình của ngày tết ở Đài Loan có cách chế biến công phu và bày trí vô cùng khéo léo đấy.