Sau nhiều tháng đàm phán, Qantas đã chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam, trả lại 30% số vốn đầu tư vào hãng hàng không Jetstar Pacific cho hãng Vietnam Airlines. Điều đầu tiên Vietnam Airlines làm sau khi nhận vốn từ Qantas chính là thay đổi tên thương hiệu Jetstar thành Pacific Airlines. Trả lại tên gọi cũ, liệu Pacific Airlines có hết lận đận?
Pacific Airlines chính thức được thành lập vào giữa tháng 6 năm 1991 và được xem là hãng hàng không cổ phần đầu tiên của Việt Nam, sau khi luật sửa đổi cho phép nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hàng không nội địa. Trong giai đoạn đầu, tổng số vốn đầu tư của hãng khoảng 40 tỉ đồng. Trong đó, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và 4 doanh nghiệp thành viên chiếm 86,49% cổ phần. Số cổ phần còn lại thuộc sở hữu của Saigon Tourist với 13,06% và Công ty thương mại đầu tư phát triển Giao thông vận tải Tradevico chiếm khoảng 0,45%.
Jetstar Pacific sẽ được trả lại tên gọi như ban đầu là Pacific Airlines
Vào năm 1993 khi hãng hàng không quốc gia Việt Nam là Vietnam Airlines ra đời và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tái cơ cấu các bộ phận khai thác, cổ phần đang sở hữu tại Pacific Airlines được trao cho Vietnam Airlines. Kể từ đó, Pacific Airlines trở thành một đơn vị thành viên của hãng Vietnam Airlines.
Sau thời gian 10 năm hoạt động nhưng không nhận được hiệu quả như mong muốn, năm 2006, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC được thành lập, trực thuộc Bộ Tài chính, số cổ phần của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines được chuyển sang cho SCIC.
Tên gọi Jetstar Pacific xuất hiện vào năm 2007 khi Qantas trở thành cổ đông của Pacific Airlines
Cổ đông ngoại của Pacific Airlines là Tập đoàn Qantas – Úc, gia nhập vào năm 2007 với tham vọng là trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines. Tham vọng của Qantas không chỉ có thế mà còn mong muốn mở rộng thị trường kinh doanh ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Giai đoạn đầu, hãng đã chi 50 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines và tiếp tục rót vốn vào để sở hữu 30% cổ phần. Khoản đầu tư này giúp Pacific Airlines có thể bù lỗ và tên gọi Jetstar Pacific cũng chính thức ra đời từ đó. Cho tới cuối năm 2011, cổ đông của Jetstar bao gồm SCIC với 70% cổ phần, Qantas chiếm 27% cổ phần và Saigon Tourist là 3% cổ phần.
Saigon Tourist là một cổ đông của Pacific Airlines
Vào đầu năm 2012, Thủ tướng đã giao toàn bộ phần vốn nhà nước tại SCIC cho Vietnam Airlines và thực hiện tái cơ cấu lần thứ 2 hãng hàng không giá rẻ này.
Do tình hình kinh doanh của hãng hàng không giá rẻ sau nhiều lần đổi chủ và tái cơ cấu không hề có được hiệu quả như mong muốn, vì thế SCIC đã được giao cho Vietnam Airlines tiếp quản. Thậm chí vào cuối năm 2011, Jetstar Pacific đã đứng trước nguy cơ phá sản do mất khả năng thanh toán với vốn chủ sở hữu âm hơn 600 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế khoảng 2.500 tỷ đồng.
Từ khi được chuyển qua Vietnam Airlines, Jetstar đã được tái cơ cấu, kết hợp với sự điều hành kết hợp với Qantas, giúp cho hãng bắt đầu có dấu hiệu phát triển trở lại. 2 năm đầu tiên Vietnam Airlines tiếp quản, hãng đã dần giảm lỗ, tới năm 2014 thu chi được cân đối và ghi nhận thu được 8 tỷ đồng lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh của Jetstar Pacific trong giai đoạn tái cơ cấu lần 2
Năm 2015 Jetstar có bước bứt phá ngoạn mục khi lợi nhuận cả năm tăng lên 122 tỷ đồng, như chỉ sau đó một năm, hãng lại thông báo lỗ khủng hơn 900 tỷ đồng. Chỉ khi rà soát lại toàn bộ hoạt động thì kết quả kinh doanh của Jetstar mới được cải thiện, lỗ giảm dần và có lãi trở lại vào năm 2018 là 34 tỷ đồng. Vào năm 2019, hãng cũng thu lãi là 205 tỷ đồng. Tháng 1 năm 2020 hãng cũng báo lãi kỷ lục là 150 tỷ đồng, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dự kiến trong năm sẽ lỗ 1,200 tỷ đồng.
Ở thời điểm hàng không thế giới gánh chịu những khủng hoảng nặng nề vì dịch Covid-19, tái cơ cấu hoạt động của Jetstar Pacific có thể khá khó khăn, nhưng theo ông Quang, đây lại là thời điểm phù hợp. Qantas sẵn sàng rút khỏi thị trường Việt Nam, chuyển vốn cho Vietnam Airlines và tên gọi của hãng sẽ được trả lại như ban đầu là Pacific Airlines.
Pacific Airlines tái cơ cấu lần 3 ở giai đoạn khó khăn
Cùng với thay đổi tên chính là logo, bộ nhận diện thương hiệu mới mang màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines. Định hướng cho sự phát triển của hãng chính là theo kiểu hàng không giá rẻ, trong khi đó Vietnam Airlines sẽ tập trung vào phân khúc thị trường cao hơn.
Mạng đường bay và hệ thống bán vé của Pacific Airlines và Vietnam Airlines sẽ được đồng bộ với nhau. Điều này giúp cho hiệu quả khai thác tăng cao, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc thị trường hàng không truyền thống và chi phí thấp. Việc tái cơ cấu mới này của Pacific Airlines cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi hãng đang đứng trong giai đoạn thách thức từ trước đên nay và thị phần giá rẻ đang tập trung vào Vietjet.